Yên Trung là xã thuộc vùng trung du - bán sơn địa của huyện Yên Định cách thị trấn Quán Lào 12km về phía Tây bắc, chiều dài từ thôn Thọ Cường đến thôn Thọ Long khoảng 6,5km. Chiều rộng từ thôn Lạc Tụ đến thôn Hà Thành khoảng 3,5km. Phía Đông giáp xã Yên Trường, Phía Nam giáp xã Yên Bái, phía Tây giáp xã Yên Phú và xã Yên Tâm, phía Bắc giáp xã Yên Thọ. Toàn xã có diện tích tự nhiên là 729,47 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 442,33 ha, còn lại là đất ao hồ và đất khác, mật độ dân số trung bình là 891 người/km2, xã có 1.489 hộ, với 6.501 nhân khẩu trong đó nam là 3.185 người, nữ là 3.316 người.
Trước kia Yên Trung gồm có các thôn xã: A Đô, Hà Xá, Lạc Tụ, Lại Xá, Khả Phú và Nam Thạch, ngoài ra còn có các trại Mã Lớn, Bái Đợn, Cầu Đụn, Đồng Vàng và Phường Nga. Thời Tuỳ Đường (thế kỷ 7- 8) địa bàn Yên Trung thuộc huyện Quận An sau đổi thành Quân Ninh và huyện Nhật Nam, quận Cửu Chân cho đến thời Đại Việt tự chủ (Nhà Lý).Thời Trần thuộc vào huyện Yên Định và Vĩnh Ninh thuộc trấn Thanh Đô. Đến thời Nhà Hồ do dòng sông Mã đổi dòng nên một dãi đất của huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) được nhập vào huyện Yên Định trong đó có một phần đất sáp nhập vào làng AĐô đó là Điền Thôn nay là Thọ Lọc và làng Bái Đô nay là Lạc Tụ.
Đầu thời Nguyễn mảnh đất Yên Trung có 5 thôn gồm thôn Bái Đô (sau đổi thành Lạc Tụ), thôn Khả Phú, thôn Hà Xá, thôn A Đô (sau đổi thành Cổ Đô, Hà Đô) thuộc xã Lộc Bội, thôn Lại Xá thuộc xã Nam Trịnh, cả hai thôn đều thuộc tổng Đan Nê. Đến khoảng thời vua Tự Đức (1848-1883), tổng Đan Nê gồm 17 xã, thôn. Địa bàn Yên Trung lúc này gồm có các thôn xã: Thôn Bái Đô, Thôn Nam Thạch, Thôn Khả Phú, thuộc xã Nam Thạch và xã Hà Đô, xã Lại Xá, xã Hà Xá (theo Đồng Khánh dư địa chí) và làng Bùi (Yên Phú).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công các làng Bái Đô, Nam Thạch, A Đô, Lại Xá, Hà Xá, Khả Phú thuộc xã Quang Trung. Đầu năm 1947 các thôn làng xã Yên Trung cùng với các thôn làng xã Yên Thọ, Yên Bái, Yên Trường sáp nhập thành một xã lấy tên là xã Yên Thọ. tháng 5 năm 1953, huyện Yên Định đã tiến hành điều chỉnh các xã lớn thành các xã nhỏ. Xã Yên Thọ được tách làm bốn xã có chữ Yên đứng đầu là Yên Trường, Yên Thọ, Yên Trung và Yên Bái. Xã Yên Trung gồm các làng: Khả Phú, A Đô, Hà Xá, Lại Xá, Lạc Tụ và Nam Thạch. Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP giải thể huyện Thiệu Hoá đưa 15 xã tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hoá tháp nhập vào huyện Yên Định lấy tên là huyện Yên Định, lấy tên là huyện Thiệu Yên, kể từ đây Yên Trung là một trong 42 xã của huyện Thiệu Yên. Đến ngày 18/1/1996 để phù hợp với tình hình mới Chính phủ đã ra Nghị định số 72/CP tái lập các huyện cũ huyện Yên Định trở lại với tên gọi cũ và Yên Trung là một trong 29 xã, thị trấn của huyện Yên Định.
Thiên nhiên ưu ái cho Yên Trung có đất đai màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu nên mảnh đất Yên Trung có con người đến khai phá từ rất sớm, vào khoảng trước thời nhà Đinh (thế kỷ thứ X) các cư dân đã đến đây khai hoang phá rậm, cải tạo đất đai thành những đồng ruộng, lập nên xóm làng. Theo các sử sách còn để lại cho biết, trên mảnh đất Yên Trung làng thành lập sớm nhất là Khả Phú (kẻ xú), tiếp đến là làng A Đô,.. theo những nhà nghiên cứu những làng có từ Kẻ đứng trước một từ nôm khác là những làng rất cổ, được hình thành cùng với quá trình dựng nước của dân tộc ta từ thời các vua Hùng. Theo tài liệu của làng Khả Phú thì xưa kia nơi đây là làng xã của Yên Trung chia thành 12 thôn, mỗi thôn làng đều có lịch sử hình thành và phát triển riêng, song đều góp phần xây dựng một Yên Trung có truyền thống cách mạng, lịch sử văn hoá và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Người Yên Trung cần cù, giầu óc sáng tạo và lòng nhân ái, chịu thương, chịu khó dù sống ở địa phương hay đang công tác hoặc sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, người Yên Trung vẫn giữ gìn được những nét tốt đẹp đó. Hơn 80 năm kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, người Yên Trung một lòng đi theo Đảng làm cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, lớp lớp người con ưu tú của quê hương Yên Trung đã đứng lên cầm súng đánh giặc, cầm cày, cầm cuốc khai phá những vùng đất mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẽ vang của quê hương Yên Định anh hùng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất trong thời kỳ đổi mới.
Trải qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm các thế hệ người dân đã hun đúc một Yên Trung có bề dày về lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng. Truyền thống yêu nước và cách mạng được phát huy nhất là từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng. Từ năm 1930-1945, trong các cao trào đấu tranh , nhân dân Yên Trung đã đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của bọn thực dân phong kiến, đòi quyền dân sinh, dân chủ, vạch mặt những tên cường hào gian ác và chuẩn bị mọi điều kiện để cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhân dân Yên trung đã có nhiều sự đóng góp tích cực góp phần cùng nhân dân cả nước lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) Chi bộ Yên Thọ cũ (Yên Trung, Yên Thọ, Yên Trường, Yên Bái), sau là Chi bộ, Đảng bộ Yên Trung đã lãnh đạo Nhân dân trong xã xây dựng chế độ mới, củng cố và phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, làm tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhiệt tình giúp đỡ các đơn vị, đồng bào sơ tán, đóng góp sức người, sức của đến mức cao nhất cho tuyền tuyến, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Ngày 10/6/1938 Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Định được thành lập, từ đó các phong trào chống lại thực dân phong kiến liên tiếp nổ ra. Trong đó có phong trào đấu tranh của Nhân dân xã Yên Trung chống lại sự áp bức của bon tay sai và địa chủ cường hào. Với sự ra đời của chi bộ Đảng huyện Yên Định đã đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng ở huyện nhà. Có chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân trong huyện nói chung, nhân dân các làng xã Yên Trung nói riêng đã đưa phong trào cách mạng ở địa phương lên một tầm cao mới. Từ năm 1944, phong trào đấu tranh của Yên Định từ phản đế chuyển sang phong trào Việt Minh, các đoàn thể cứu cuốc được thành lập. Lúc này ở Yên Trung được một số cán bộ Việt Minh cấp trên như ông Trịnh Bá Ái, Lưu Văn Suý, Nguyễn Hữu Thực... về xây dựng phong trào nên mặt trận Việt Minh ở các thôn đã lần lượt ra đời và thu hút nhiều người tham gia góp phần đưa phong trào đấu tranh của huyện Yên Định lên một tầm cao mới, mạnh mẽ hơn. Nhiều đồng chí được cử giữ chức tổ trưởng Việt Minh như đồng chí Trịnh Đắc Lộc (làng A Đô). Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân các làng xã Yên Trung cùng với các làng xã trong huyện đã kéo về huyện lỵ chào mừng cách mạng, chào mừng chiến thắng. Tiếp đến ngày 21 tháng 8 năm 1945 nhiều quần chúng ở Yên Trung đã dự mít tinh ở núi Đỏ (Định Hưng) chào mừng Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện ra mắt do đồng chí Bùi Kính Thăng làm chủ tịch. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Định, cùng với sự thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện, chính quyền cách mạng ở các làng cũng được thành lập. Làng A Đô do ông Nguyễn Đức Thịnh làm Chủ tịch lâm thời. Lúc này ở Yên Thọ trên cơ sở số lượng Đảng viên ở các thôn xã đã thành lập Chi bộ lấy tên là Chi bộ Yên Thọ. Khi mới thành lập chi bộ có 8 Đảng viên, một thời gian sau phát triển lên 12 đảng viên, trong đó có đồng chí Trịnh Đăng Bưởi (Hà Xá). Chi bộ Yên Thọ ra đời là một sự kiện hết sức quan trọng, trước hết nó đánh dấu quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ Yên Định và sự phát triển của phong trào cách mạng ở các làng xã Yên Trung.
Với sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Định nói chung, các làng xã Yên Trung nói riêng đã đưa Nhân dân ta từ kiếp nô lệ trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, được sống trong độc lập, tự do. Chính quyền mới được thành lập, ách cai trị thực dân phong kiến bị xoá bỏ, Nhân dân Yên Trung từ đây đã đứng lên làm chủ quê hương và vận mệnh của mình, bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới dưới chế độ dân chủ nhân dân.
Ngày 6/1/1946 cùng với nhân dân cả nước Nhân dân Yên Trung hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội, kết quả là có hơn 90% cử tri trong xã đi bỏ phiếu, trong đó có nhiều người tuổi cao sức yếu nhưng vẫn chống gậy đến địa điểm bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình, bầu những người ưu tú đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Ngày 6/1/1946 thực sự là ngày hội lớn của non sông. Tiếp đến tháng 4/1946 cùng với cử tri khác trong tỉnh, trong huyện, cử tri các làng xã Yên Trung đã đi bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh và xã. Sau bầu cử hội đồng nhân dân xã Quang Trung được thành lập gồm 31 đồng chí phần lớn là những thân hào, thân sỹ tiến bộ ở địa phương, được Mặt trận Việt Minh giới thiệu. Sau bầu cử, Hội đồng nhân dân xã đã họp phiên đầu tiên và bầu ra uỷ ban hành chính xã Quang Trung gồm 5 uỷ viên, do đồng chí Trịnh Bá Sước làm chủ tịch uỷ ban hành chính.
Thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, dân cày có ruộng đã tạo ra động lực thúc đẩy phong trào sản xuất nông nghiệp phát triển. Chi bộ Đảng đã lãnh đạo Nhân dân trong xã tiến hành xây dựng tổ đổi công, rồi thành lập Hợp tác xã nông nghiệp từ cấp thấp lên cấp cao. Gai đoạn này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Trung lại tập chung cho công tác chuyển đổi HTX lên cấp cao. Các phong trào thi đua sản xuất được Nhân dân hăng hái tham gia hưởng ứng tích cực làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến như phong trào “Gió Đại phong”; “Cờ ba nhất”.
Tháng 5/1953 thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Yên Thọ được chia thành 4 xã: xã Yên Trường, xã Yên Bái, xã Yên Thọ và xã Yên Trung. Xã Yên Trung gồm có các thôn A Đô, Lại Xá, Lạc Tụ, Nam Thạch và thôn Khả Phú, UBKCHC xã Yên Trung do đồng chí Trịnh Đăng Tài được bầu làm Chủ tịch, Phó chủ tịch là các đồng chí Nguyễn Hữu Giới, Phan Văn Đồng, Uỷ viên là các đồng chí Nguyễn Văn Hân, Lại Khắc Vành.
Cùng với việc thành lập xã Yên Trung Chi bộ Đảng xã Yên Trung cũng được thành lập trên cơ sở số lượng Đảng viên ở các thôn trong xã đang sinh hoạt ở Chi bộ Yên Thọ. Tổng số Đảng viên của Chi bộ khi mới thành lập là 70 đồng chí, đồng chí Chu Đình Toản (Nam Kim) được chỉ định làm Bí thư, Tháng 11/1953 Chi bộ đảng Yên Trung tổ chức Đại hội lần thứ nhất để kiện toàn lại tổ chức và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cùng với thi đua sản xuất. Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Yên Trung đã tổ chức động viên hàng nghìn lượt người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu như đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, đi dân công hoả tuyến làm đường, công nhân quốc phòng, xe thồ, xây dựng trận địa phục vụ chiến đấu. Trong cuộc đấu tranh anh dũng ấy Yên Trung có 101 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước nở hoa độc lập. Ghi nhận những đóng góp to lớn trong chiến đấu, trong lao động và học tập công tác, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều Huân, Huy chương các loại cho cán bộ và nhân dân xã Yên Trung, đặc biệt có 02 bà mẹ được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nước nhà độc lập, non sông ta thu về một mối cùng với cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước trong những năm qua Yên Trung đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và đạo đức từ đó ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân tạo lòng tin giữa Đảng - Chính quyền với nhân dân được đại đa số nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng sự điều hành của chính quyền, tham gia hưởng ứng tích cực vào các phong trào góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Năm 2013 Tăng trưởng kinh tế đạt 17,9 % . Cơ cấu kinh tế: Nông lâm - thuỷ sản 38,7 %, Công nghiệp - xây dựng cơ bản 23,1%, Dịch vụ 38,2 %. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,6 triệu đồng tăng 17,1% so với cùng kỳ.
- Giá trị sản xuất bình quân 01 ha canh tác đạt 112,4 triệu đồng tăng 12,8% so với cùng kỳ.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,6 triệu đồng tăng 17,1% so với cùng kỳ,
- Giá trị sản xuất bình quân 01 ha canh tác đạt 112,4 triệu đồng;
- Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 5.475 tấn,
- Lương thực bình quân đầu người 830 kg/người/năm;
- Lao động trong độ tuổi có việc làm là 96%; đạt 100% so với kế hoạch,
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 4 %0
- Tỷ lệ hộ nghèo 8,25% giảm xuống còn 4,4%
- Tỷ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi 5,6 %
- Tổng đầu tư xây dựng cơ bản 30,7 tỷ đồng đạt 98,4% so với kế hoạch tăng 18% so với cùng kỳ;
- Tổng diện tích gieo trồng cả năm 1092,7 ha đạt 94,66% so với kế hoạch, giảm 1,4% so với cùng kỳ;
- Trong đó vụ đông 200,7 ha; vụ chiêm xuân 446 ha; vụ thu mùa 446 ha;
- Tổng giá trị ngành trồng trọt 43,1 tỷ đồng đạt 85,5% kế hoạch, giảm 2,9% so với cùng kỳ.
Kết cấu hạ tầng , kinh tế xã hội khang trang, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được chú trọng, đến nay đã hoàn thành 15/19 tiêu chí và phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2014.
Có được những dấu son chói loại đó là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại mặt khác cấp uỷ Đảng ở mỗi thời kỳ đã chủ động sáng tạo vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh thực tế ở địa phương nhằm phát huy tiềm năng. Lợi thế của xã trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội; bên cạnh đó đã chú trọng đổi mới và chỉnh đốn đảng không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đi đôi với xây dựng khối đai đoàn kết thống nhất trong Đảng; Mặt khác đã chú trọng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể cùng với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, tăng cường gắn bó mật thiết mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, lấy dân làm gốc. Hơn nữa đã chú trọng đến công tác giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, ý chí tự lực tự cường là sức mạnh to lớn để Yên Trung đạt được những thành tựu ngày hôm nay.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua. Đảng bộ và Nhân dân Yên Trung có quyền tự hào vì có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thành tích của Đảng bộ và Nhân dân Yên Trung đạt được trong thời gian qua, cùng với những kinh nghiệp đã rút ra là niềm tự hào, là điểm tựa vững chắc để quê hương Yên Trung nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung trong việc chung tay phấn đấu xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng Nông thôn mới”.
Việc hoàn thành cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Yên Trung” là sự góp công, góp sức của nhiều người, nhiều tổ chức. Lễ phát hành cuốn sách Lịch sử hôm nay là việc làm thiết thực, thể hiện lòng kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cống hiến lớn lao của biết bao thế hệ người con Yên Trung đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ Quốc dành độc lập cho dân tộc và để tô thắm mãi cho màu cờ tổ quốc hôm nay. Đồng thời cũng thể hiện lòng kính trọng và biết ơn tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ của quê hương Yên Trung qua các thời kỳ. Cuốn sách ra đời sẽ góp phần tích cực trong việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã. Đặc biệt là thế hệ trẻ Yên Trung biết rõ hơn mảnh đất, con người và truyền thống của quê hương. Chặng đường lịch sử đấu tranh đầy gian khổ khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Yên Trung là tài sản vô giá, là niềm tự hào to lớn của bao thế hệ, là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và Nhân dân Yên Trung nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố lòng tin dối với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống yêu nước cùng nhau khắc phục mọi khó khăn tiếp bước cha anh vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ, HĐND đã đề ra. Tất cả vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ban biên tập TTTĐT xã Yên Trung