image banner
Sáng 06/8/2023 tại thôn Thọ Lọc xã Yên Trung, Đảng ủy, HĐND,UBND, UBMTTQ xã Yên Trung long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt và kỷ niệm 918 năm (1105-2023) ngày mất của Ngài
 Thực hiện Quyết định số 3711/QĐ-UBND, ngày 02/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xếp hạng Đền thờ Thái uý Lý Thường Kiệt, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/7/2021 của Huyện ủy Yên Định về “Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025”.

Được sự cho phép của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Định.

Đảng ủy, HĐND,UBND, UBMTTQ xã Yên Trung long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt nhân kỷ niệm 918 năm (1105-2023) ngày mất của Ngài.

Về tham dự buổi lễ  có các đồng chí: Phạm Văn Thủy, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam; Nguyễn Văn Lợi, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Hiệu, Ủy viên BanThường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Trịnh Xuân Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Phạm Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ huyện; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, Thủ trưởng các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn; đại diện con em trong và ngoài xã  Nhân dân xã Yên Trung và du khách thập phương có mặt đông đủ tham dự;

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Lý Thường Kiệt (1019-1105), tên thật là Ngô Tuấn, người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (nay là Thủ đô Hà Nội). Cha là An Ngữ, sung chức Sùng ban lang tướng, ở triều Lý. Đời Lý Thái Tông, An Ngữ đi tuần biên ở Tượng châu thuộc Thanh Hóa, bị bệnh và mất. Mẹ Lý Thường Kiệt họ Hàn, năm 20 tuổi sinh Thường Kiệt. Bà mất năm Thường Kiệt 18 tuổi (1038). Thường Kiệt có một người cô. Chồng người cô này tên là Tạ Đức, Tạ Đức: “thường đến thăm và an ủi Thường Kiệt”, “khuyên học chữ nho”.

Từ nhỏ,  Lý Thường Kiệt đã có chí hướng, ham đọc sách, luyện tập võ nghệ. Ông tinh thông cả văn lẫn võ. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng chức “Kỵ mã hiệu uý” là một chức quan nhỏ trong quân đội. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, ông luôn là một trọng thần được triều đình tin tưởng, nể trọng.

Chiến công lớn đầu tiên của Lý Thường Kiệt là năm 1061, ông được cử đi Bình Định vùng đất Thanh Nghệ và nhờ tài nghệ của mình, ông đã khiến cho một dải non sông được yên bình. Đến năm 1069, Lý Thường Kiệt lại theo Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, ông là tướng tiên phong và bắt được Vua Chiêm là Chế Củ,mở mang bờ cõi Đại Việt. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng tử Lý Càn Đức mới được 7 tuổi lên ngôi kế vị. Vốn sẵn dã tâm dòm ngó, giặc phương Bắc xem đây là cơ hội tiến hành xâm lược nước ta. Khi ấy, Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính, Lý Thường Kiệt với cương vị như Tể tướng nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Gánh vác trách nhiệm lớn với vận mệnh giang sơn xã tắc, Lý Thường Kiệt trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Năm 1075, ông chủ trương dâng kế sách táo bạo  đánh các châu Khâm, Liêm, Ung của nhà Tống để ngăn chặn trước một cuộc tiến đánh nước Việt và đã giành thắng lợi rực rỡ. Giới sử gia sau này đánh giá: “Thắng lợi của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống lại quân Tống trên đất Trung Hoa năm 1075 không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là một thắng lợi về chính trị, về ngoại giao”. Như vậy, trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt là người đầu tiên đem quân sang Bắc phạt.

Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp phục. Với muôn dân, ông đối đãi khoan hòa, nhân từ nên được trăm họ yêu mến, kính trọng. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ Nam Quốc Sơn Hà và bài hịch hùng tráng Phạt Tống lộ bố văn.

Lý Thường Kiệt là một vị tướng có nhiều công lao trong lịch sử, giúp Đại Việt phá Tống bình Chiêm. Sau khi thắng giặc ông được Vua biệt phái vào cai quản trấn Thanh Hoa. Ông đã có 19 năm làm tổng trấn Thanh Hoa (từ 1082 – 1101), (nay là tỉnh Thanh Hóa). Trong thời gian làm tổng trấn Thanh Hoa Thái Úy Lý Thường Kiệt nổi tiếng là vị quan anh minh. Nhờ vào lòng đức độ , sự khoan dung sáng suốt của Lý Thường Kiệt mà người dân trong trấn Thanh Hoa được hưởng nhiều lợi ích trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài sự chú trọng đến việc nông trang cày bừa,cấy hái làm sao cho không bị mất mùa,Lý Thường Kiệt còn rất chăm lo đến việc nuôi dưỡng người già, việc đào kênh dẫn nước và mở mang thêm nhiều làng xóm, ruộng đồng;Ông trực tiếp chỉ huy việc đào vét kênh đắp đê để thuận tiện cho việc đi lại tại làng A Đô và chinh ông là người lập ra làng A Đô của Lý Thường Kiệt đến từng làng đặc biệt là làng A Đô, nay là thôn Thọ Lọc

Năm 1105,Lý Thường Kiệt mất , thọ 86 tuổi, ông được truy tặng tước hiệu Việt Quốc công Thái úy.Tên tuổi và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ công lao, đức độ của ông,tại Thanh Hóa đã có nhiều nơi lập đền thờ ông trong đó có làng A Đô (lúc bấy giờ tại khu đất bái nghè này được xây dựng đền thờ quốc công Thái uý Lý Thường Kiệt để tỏ lòng ghi nhớ công ơn to lớn của ông).

Yên Trung ngày nay, khi xưa là xã A Đô.  A Đô không chỉ là quê hương của Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, người có công giúp vua Lý Công Uẩn lên ngôi, dốc lòng vì sự hưng thịnh của triều Lý; quê hương của Thái bảo họ Tạ, tên là Tạ Đức. Chính làng quê A Đô và những con người có tấm lòng nồng hậu,  yêu thương chăm sóc những tài năng trẻ, góp công nuôi dưỡng nhân tài làm rạng danh cho đất nước, quê hương. Văn bia do Nhữ Bá Sỹ soạn, cho biết: chồng của người cô ruột Lý Thường Kiệt là Tạ Đức rất quan tâm đến ông nên “lớn lên ông Đức khuyên lấy cháu là Tạ Thuần Khanh”. Tác giả Hoàng Xuân Hãn cũng khẳng định: Tạ Đức khen Lý Thường Kiệt là người có chí khí “bèn gả cháu gái là Thuần Khanh cho ông”. Như vậy, vợ Lý Thường Kiệt là Thuần Khanh, cháu Tạ Đức ở thôn Điền, xã A Đô. 

          Đền thờ Thuần Khanh - phu nhân Lý Thường Kiệt nằm trong hệ thống đền thờ các vị trọng thần thời Lý ở xã A Đô xưa, được các vương triều phong sắc nhưng phần lớn bị thất lạc. Hiện còn 2 sắc phong thời Nguyễn, vào năm Khải Định thứ hai (1918) và Khải Định năm thứ chín (1925) cho biết:

          “Sắc cho thôn Điền, xã A Đô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa theo như lệ trước phụng thờ bà họ Tạ, tên hiệu là Thuần Khanh, là vợ của quan Thái bảo triều Lý, được ban tước Việt Quốc Công (Lý Thường Kiệt)”. Sắc phong khẳng định: chính phu nhân Tạ Thị Thuần Khanh là vợ của Thái bảo Việt quốc công Lý Thường Kiệt thời Lý được triều đình cho phép thôn A Đô phụng thờ:

           Tại xã A Đô xưa, nay là Yên Trung có Đền thờ Lý Thường Kiệt và  Nghè Thọ Lập (thờ phu nhân Lý Thường Kiệt).

Đền thờ Thái Úy Lý Thường Kiệt được xây dựng tại mảnh đất này trên một khuôn viên cao ráo,rộng rãi, thoáng mát giữa một cảnh quan có đồng ruộng,có dòng Cựu Mã Giang kế bên.Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian đền thờ đã không còn giữ được dáng vẻ ban đầu,chỉ còn lại nền móng và những dấu tích tồn tại của di tích: đó là các hiện vật còn lưu giữ được như chân tảng  và 02 đạo sắc phong: niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924) …là những hiện vật đặc biệt có giá trị giúp cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu sự ra đời , tồn tại của đền thờ Thái Úy Lý Thường Kiệt và lịch sử cũng như sự hình thành phát triển của làng xã .

Năm 2017, được sự quan tâm của huyện ủy, HĐND, UBND huyệnYên Định, bằng nguồn công đức của Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát, con em địa phương, với kinh phí tài trợ gần 5 tỷ đồng. Năm 2022 bằng nguồn ngân sách huyện xây dựng cổng, tường rào, đường đi và một số hạng mục phụ trợ trên 2 tỷ đồng,đền thờ đã được tôn tạo lại trên nền xưa móng cũ nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của một loại hình kiến trúc truyền thống, gồm đầy đủ các hạng mục công trình như: cổng, sân,đền chính.Bên trong đền bao gồm các hiện vật, đồ thờ phản ánh quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong làng, xã.Đền thờ là một sự minh chứng cho một vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời:có đồng ruộng lũy tre, có làng mạc trù phú, có dòng Cựu Mã Giang tựa bao đời, và cùng gắn liền với các di tích như đền thờ Cao Sơn Thượng Đẳng Thần,Phủ lời,đền thờ Thái Sư ÁVương Đào Cam Mộc,sẽ trở thành một điểm văn hóa thu hút sự ngưỡng mộ của nhân dân trong xã và du khách thập phương.

Nhân Kỷ niệm 918 năm ngày mấtThái Úy Lý Thường Kiệt và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đền thờ của Ngài,Đảng ủy, UBND,cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Yên Trung nhận thức sâu sắc trách nhiệm bảo vệ và phát huy tốt nhất di tích lịch sử văn hóa có giá trị này, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau; đổi mới, sáng tạo, chung sức, đồng lòng,lập nhiều thành tích xuất sắc, phấn đấu xây dựng Yên Trung trở thành xã nông thôn mới nâng cao góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bởi lẽ đó, việc thờ cúng người có công với dân tộc góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương đất nước và thể hiện lòng tri ân sâu sắc là nghĩa cử mang tính giáo dục truyền thống.Lý Thường Kiệt sau khi mất đã trở thành một anh hùng Văn hóa –một thần linh rất thiêng để dân chúng gửi gắm niềm ước vọng (cầu an khang, cầu phúc ,cầu lộc) để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Với bề dày lịch sử có từ lâu đời, được hình thành và phát triển, đền thờ Thái Úy Lý Thường Kiệt là nơi diễn ra các hình thức tín ngưỡng, lễ hội mang màu sắc đậm tính nhân văn, sự gắn bó khăng khít, đoàn kết mẫu mực của nhân dân, và giờ đây được xem như linh hồn  biểu tượng của làng, xã. Đây cũng là dịp để nhân dân trong làng, trong xã , con cháu gần xa có dịp trở về , quy tụ cùng nhau để ôn lại kỉ niệm , tưởng nhớ đến ông cha đã có công xây ấp, lập làng .Và cũng là dịp để địa phương tổ chức các hoạt động tưởng nhớ ,tri ân tới nhân vật lịch sử có những đóng góp to lớn cho quê hương đất nước và mong muốn cầu nguyện cho nhân dân có cuộc sống ấm no,cho mưa thuận gió hòa,cho hạnh phúc muôn nhà viên mãn,mùa màng bội thu.

Ban Biên Tập TTTĐT xã Yên Trung

 

Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND Xã Yên Trường
Địa chỉ: Thôn Lự Khê, Xã Yên Trường, Tỉnh Thanh Hóa
Email : yentruong@thanhhoa.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Thị Khuyên ; Chức vụ: Phó chủ tịch UBND xã ; Số điện thoại liên hệ: 0916 351 858
Ghi rõ nguồn: Trang thông tin điện tử xã Yên Trường hoặc yentruong.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT