Di tích lịch sử văn hóa Phủ Lời xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Một số nét chính về di tích lịch sử văn hóa Phủ Lời xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Phủ Lời thuộc xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh – Một trong bốn vị thánh Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam. Thánh mẫu Liễu Hạnh đã được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn cấp nhiều sắc phong, tôn phong là “ Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân ”. Phủ Lời là gọi theo tên địa danh của núi Lời thuộc xã Yên Trung, từ trước đến nay chỉ một tên gọi duy nhất là Phủ Lời, ngoài ra không có tên gọi nào khác.Theo quốc lộ 45 từ Thành phố Thanh Hóa qua các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, qua trung tâm huyện Yên Định đến thị trấn Kiểu rẽ tay trái khoảng 3km là đến trung tâm xã Yên Trung, đi tiếp khoảng 2 km nữa là đến di tích Phủ Lời.

Phủ Lời ngày nay thuộc làng Tiến Thắng cũ, nay là thôn (Lạc Trung) xã Yên Trung, huyện Yên Định, trước đây là thôn Lại Xá, tổng Đan Nê, huyện Yên Định. Phủ Lời được tọa lạc trên khu đất cao rộng với tổng diện tích là; 4652,3m2. Nằm khuất xa khu dân cư về phía Tây của làng, mang dáng vẻ tự nhiên, thanh tịnh riêng của nó. Nằm bên cạnh dòng Mã Giang, nước chảy hiền hòa, lưng tựa vào núi Lời,phảng phất hồn thiêng sông núi. Phủ Lời xưa là một công trình kiến trúc độc đáo, các họa tiết được trạm khắc tinh vi, với kết cấu gồm các hạng mục : Cổng – sân – Nhà giải vũ và Phủ Chính.
Tương truyền: Thần là chúa tiên trên Thiên đình. Giáng Sinh vào nhà họ Lê ở xã An Thái,huyện Thiên Bản. Rồi lấy chồng người đồng hương, sinh được một người con gái thì hóa. Sau thường hiện hình thành người và cùng hai nàng là Quế Hoa và Quỳnh Hoa thường đi dã ngoạn các danh sơn thắng cảnh và hiển hiện tiếng thiêng. Năm Cảnh Trị (1663 – 1671), xây dựng đền thờ mà phong là : “Mạ vàng công chúa” rồi sai dân thờ phụng. Sau các vua đi đánh giặc, thần đều giúp cho thành công và thắng lợi. Được gia tặng “Chế thắng Hòa Diệu đại vương” rất tỏ linh ứng.

Lại có thuyết cho rằng: Ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyên Thiên bản ( nay là vụ bản, tỉnh Nam Định ) có ông Lê Thái Công, hiền lành phúc đức. Năm Thiên Hựu ( đời Lê Anh Tông 1557 ) bà vợ ông có mang, quá kỳ sinh thì mắc bệnh, chữa mãi không khỏi. Có người đạo sĩ đến giúp, làm phép cho ông được nằm mộng lên thiên đình. Tại thiên đình, ông được chứng kiến việc công chúa Quỳnh Hoa phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc ( Ngọc trán ), nên bị vua cha NGọc Hoàng đẩy xuống trần gian. Khi tỉnh giấc, vợ ông liền trở dạ, sinh được một cô gái, lúc đó cả nhà thơm nức hương lạ, quyện vào ánh trăng soi bên cửa sổ. Ông bà đặt tên con gái là Giáng Tiên. Cô gái lớn lên, nhan sắc xinh đẹp mà lại đủ tài văn thơ đàn nhạc. Ông bà gả nàng cho Đào Lang, con nuôi của bạn Trần Công.
Vợ chồng Giáng Tiên sinh được hai người con thì Giáng Tiên mất lúc mới có 21 tuổi, nhằm ngày mồng 3 tháng 3. Nàng đã hết hạn đi đày, phải trở về trời. Trên thiên đình, nhớ chồng, con nàng luôn luôn sầu não, cổ xin vua cha Ngọc Hoàng cho tái hợp với gia đình. Vua cha không cách nào khác phải đồng ý cho nàng xuống trần lần nữa, lấy hiệu là Liễu Hạnh công chúa. Nàng về thăm cha mẹ, chồng con, nhưng vì là thần tiên, nên không thể ở lại như người phàm tục được. Khi cha mẹ và chồng mất, con cái đã trưởng thành, Liễu Hạnh đi mây về gió, hóa phép để giúp đời. Khi thành bà già đi trên đường, khi là cô gái trong quán trọ. Nàng lên Lạng Sơn, biến thành người đẹp họa thơ, thách đố với Trạng Bùng ( Phùng Khắc Hoan ), lại về Hồ Tây họp bạn văn chương với các danh sĩ họ Phùng, Ngô, Lý, rồi lại vào làng Sóc ở Nghệ An. Tại đây nàng kết hôn với một thư sinh, tương truyền là hậu sinh của chồng cũ, nhưng ít lâu lại phải về trời.
Ở thiên cung, Liễu Hạnh vẫn khao khát cuộc đời, lại xin xuống trần gian
lần nữa. Ngọc Hoàng thượng đế phải chiều ý, cho thêm hai cô Quế và thị cùng với Liễu Hạnh về Phố Cát. Tiên chúa có công giúp vua đánh giặc, nên được gia tặng là Chế thắng Hòa diệu Đại Vương.
Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng cho sức sống, cho tự do, cho lòng nhân đạo và công bằng xã hội, Mẫu Liễu đã trải qua chức phận làm con, làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình, trưởng một cộng đồng, Mẫu biết làm thơ, am hiểu đạo lý, biết cầm quân đánh giặc, biết chữa bệnh cứu nhân độ thế. Mẫu là sự tựu trưng những nét đẹp của người mẹ, người chủ, một vị tướng và một vị thánh. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn thờ từ thực tế và trở thành tâm linh, là vị thánh thứ tư trong tứ bất tử; là chủ cõi đất, cõi trần gian, những cõi gần gũi với con người. Trong cảm quan của nhân dân, chúng ta tìm thấy ở Thánh Mẫu Liễu Hạnh có đủ phẩm chất ,tư cách của một vị Thần, một nàng Tiên, một đức Phật. Niềm kính cẩn linh thiêng đặt vào các nhân vật huyền thoại này là sự cầu mong phù hộ chống lại tai ương, bệnh tật và mong đợi những điều khuyên dạy để ứng xử trong cuộc sống.
Theo lệ hàng năm, Lễ hội Phủ Lời xã Yên Trung được tổ chức với quy mô rộng rãi, nhân dân trong làng, ngoài xã và khách thập phương về dự rất đông vào 10 tháng 3 đến ngày 16 tháng 3, âm lịch với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh với hình thức rước kiệu bóng. Ngoài ra, ngày rằm và mồng một hàng tháng nhân dân đều đến đây tế lễ, cầu mong được bình yên trong gia đình. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử ngôi đền đã bị tàn phá chỉ còn đó những dấu tích nền móng xưa, năm 2010 bằng nguồn công đức của Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát, nhân dân và khách thập phương xa gần, chính quyền địa phương đã tôn tạo lại khu di tích Phủ Lời trên nền xưa, đất cũ. Cấu trúc Phủ Lời được phân bố gồm các hạng mục: Cổng– sân – Nhà giải vũ và Phủ Chính cùng với 179 bậc lên tượng quan thế âm bồ tát trên đỉnh núi Lời.
Cổng được xây dựng kiên cố gồm bốn trụ biểu. Hai trụ chính đắp chạm nổi, tượng hình chim phượng lật, lồng đèn đắp hình hoa lá, đường gờ chỉ nho thanh thoát chạy dọc thân. Hai cột phụ có đắp tượng nghê, lồng
đèn đắp nổi hình tùng cúc, trúc mai. Thể hiện sự đoàn kết, xum vầy ấm no, thịnh vượng.
Sân được lát bằng đá xanh có diện tích chiều rộng 13,2m, chiều dài 18m, giữa sân là một giếng cổ, nước giêng trong vắt, không lúc nào cạn.
Trong khuôn viên của sân còn có hai lầu thờ nhỏ, đó là Lầu Cô và Lầu Cậu, xây theo kiểu mái chồng diêm.
Nhà Dải Vũ : Gồm 2 nhà có cấu trúc giống nhau là ngôi nhà ba gian có
diện tích chiều dài 10m, chiều rộng 4m, hiên rộng 1,9m kết cấu vì kèo gỗ làm theo kiểu kiến trúc vì kèo truyền thống chồng giường, giá chiêng, kẻ bẩy ở hiên, mái lợp ngói mũi hài. Nhà Hữu vu là nơi hội họp, tiếp khách, nhà tả vu là nơi sắp lễ cũng là nơi chuẩn bị những công việc trước khi tổ chức lễ hội.
Phủ Chính : Được cấu trúc kiểu chữ nhị (=) gồm Tiền đường và Hậu cung
Nhà tiền đường : Gồm 5 gian, 6 vì kèo bằng gỗ làm theo kiểu giá chiêng, chồng giường.
Phía trước nhà Tiền đường ở hai bên hồi nhà xây hai cột nanh vuông vức, đinh cột nanh có đắp hình phượng lật, đầu hồi tường xây giật cấp kiểu giá sơn. Sân thiên tỉnh: Đi qua hai cửa thông từ nhà Tiền đường xuống Hậu cung là sân Thiên tỉnh. Từ sân thiên tỉnh lên nền nhà Hậu Cung gồm 5 bậc tam cấp. Nhà Hậu cung gồm một gian hai trái mái cong…Từ đó, đã tạo nên mộ diện mạo bề thế khang trang, tĩnh mịch và linh thiêng, cầu cho quốc thái, dân an,nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Tục ngữ có câu: “ tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Đây là một tục lệ có từ thời tiên sử, khi người Việt thờ các thần linh trong thiên nhiên. Mọi người chúng ta về đây - Về với đền Phủ Lời trong một không gian linh thiêng, với một tâm tưởng thành kính và trang nghiêm - về với Thánh Mẫu Liễu Hạnh với bao điều mong ước chân thành và bình dị: Là được Mẹ ban phước cho Quốc thái, Dân an,cho Nhân khang, Vật thịnh; nhân dân Yên Trung đoàn kết thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, NTM kiểu mẫu, đời đời ấm no, hạnh phúc.
Ban Biên Tập TTTĐT xã Yên Trung